7 điều cần lưu ý khi tìm kiếm cộng sự khởi nghiệp cùng
Nhìn chung, trong quá trình tìm kiếm người đồng sáng lập, đừng bao giờ hấp tấp ký kết bất cứ thứ gì cho đến khi bạn chắc chắn rằng người đó là sự lựa chọn đúng đắn. Bạn có thể
Đôi khi, bạn muốn việc khởi nghiệp hoàn toàn diễn ra theo ý muốn của mình, nhưng thực tế ít khi dễ dàng như vậy. Đến một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra mình cần phải đi tìm người cùng chung sức.
Dĩ nhiên, vấn đề là bạn không muốn vướng vào những rủi ro lâu dài từ việc chọn sai đồng đội. Dưới đây là 7 điều bạn nên lưu tâm trong quá trình tìm kiếm những người đồng hành:
1. Người biết hợp tác tích cực chứ không thụ động
Trong quá trình tìm kiếm cộng sự mới, điều đầu tiên cần phải chú ý là liệu bạn có thấy thoải mái khi ở bên cạnh người này hay không. Sớm muộn thì bạn sẽ phải dành ra nhiều thời gian với người đó, có thể là còn nhiều hơn cả những mối quan hệ quan trọng của bạn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn chỉ cần tìm người dễ chơi chung là xong. Bạn không nên nhầm lẫn sự thụ động với thái độ hợp tác, vì đây là 2 tính cách rất khác nhau. Người thụ động ban đầu có thể có vẻ rất hợp tác, nhưng về sau thì thái độ này có thể dẫn tới hậu quả tai hại, nhất là khi người đó chỉ nói với bạn những gì bạn muốn nghe vì họ sợ làm mích lòng bạn.
Một người bạn đồng hành đích thực sẽ không cãi vã với bạn những chuyện nhỏ nhặt, nhưng sẽ mạnh mẽ và thẳng thắn tranh luận khi nói đến những quyết định quan trọng.
2. Người đã có thành tựu và kinh nghiệm
Những thành tựu trong quá khứ không phải lúc nào cũng vẽ nên thành công trong tương lai, nhưng rõ ràng là vẫn tốt hơn khi được làm việc với một người đã có một bản CV tốt thay vì một người mới vào nghề.
Khi tìm kiếm một người đồng sáng lập, hãy ưu tiên chọn người đã từng tham gia sáng lập một công ty khác, vì người đó sẽ hiểu chính xác công ty khởi nghiệp của bạn cần có những gì.
3. Người có thể bổ sung những kỹ năng còn thiếu
Mọi thứ sẽ hoàn hảo nhất khi người đồng sáng lập có thể bổ sung những kỹ năng còn thiếu ở bạn. Khi đó, đội ngũ của bạn sẽ không bị thiếu sót năng lực ở mảng nào cả.
Một mô hình phổ thông ở các công ty khởi nghiệp là “một người xây dựng, một người bán hàng”, nghĩa là một người có trách nhiệm lên ý tưởng và tạo ra các sản phẩm, trong khi người kia sẽ chịu trách nhiệm về kinh doanh. Mô hình này là một lựa chọn khá tốt cho các công ty khởi nghiệp nhỏ.
4. Người có mối giao thiệp rộng
Với các công ty khởi nghiệp, việc xây dựng mạng lưới quan hệ là một trong những việc quan trọng hàng đầu. Khi có được một người đồng sáng lập với một mạng lưới quan hệ mạnh, bạn ngay lập tức có trong tay khả năng sử dụng các nguồn tài nguyên của người đó. Còn nếu lựa chọn một đồng sự ít giao tiếp, bạn sẽ bị mắc kẹt trong việc mở rộng danh sách các đối tác kinh doanh.
Nói chung, người có mối giao thiệp kinh doanh rộng thường là người có kỹ năng giao tiếp tốt, cũng như đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm việc cho nhiều doanh nghiệp. Những người này thường có khả năng kết nối công ty khởi nghiệp của bạn với nhiều cơ hội mới mà tự bạn khó lòng tìm được.
5. Người sẵn sàng dành nhiều thời gian cho sự nghiệp mới
Khởi nghiệp bao giờ cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian của tất cả các thành viên sáng lập. Bạn không thể mong đợi rằng việc dành ra 5-10 giờ mỗi tuần sẽ đưa bạn đến thành công. Nếu muốn việc kinh doanh hiệu quả, bạn cần những người có thể dành 30, 40, 50 giờ hoặc hơn thế nữa để khởi nghiệp cùng bạn.
Vấn đề chính là hầu hết các ứng cử viên mà bạn thấy là hội tụ đủ yếu tố để tham gia sáng lập thường là những người đã có công việc, hoặc đang gánh nhiều trách nhiệm với những dự án lớn. Điều này có nghĩa là bạn phải lựa chọn rất khôn ngoan.
Liệu bạn có thực sự muốn có một ứng cử viên đủ điều kiện, nhưng chỉ có thể dành cho bạn thời gian từ một đến hai giờ mỗi ngày? Câu trả lời đúng thường sẽ là “Không”.
6. Người có cùng đam mê với ý tưởng của bạn
Bạn có thể tìm thấy một ứng cử viên đáp ứng tất cả các tiêu chí của bạn, nhưng đó sẽ không phải là một sự lựa chọn tốt nếu người đó không có chung đam mê với những ý tưởng của bạn. Cách duy nhất để đảm bảo cho quá trình hợp tác là bạn phải càng minh bạch càng tốt để tìm thấy sự đồng thuận chung, nhằm tránh những tổn thương sau này.
Thường thì yếu tố chủ chốt để giữ cho các cuộc tranh luận gay gắt ít xảy ra chính là việc các nhà đồng sáng lập có cùng chung đam mê và mục tiêu. Đây có thể là phẩm chất khó tìm thấy nhất, nhưng bạn nên chịu khó chờ đợi cho tới khi thực sự tìm được người sẵn sàng “chia lửa”.
7. Người trung thực và đáng tin cậy
Chuyện làm ăn thất bại hay quyết định sai lầm luôn là những rủi ro không thể tránh né trong giới kinh doanh. Dù bạn không thể phòng ngừa 100% các rủi ro đó, nhưng bạn có thể làm giảm thiểu chúng bằng cách chọn một người đồng sáng lập trung thực và đáng tin cậy. Đó là một người sẵn sàng làm những điều đúng đắn cho công ty ngay cả khi điều đó có thể gây bất lợi cho cá nhân họ.
Nhìn chung, trong quá trình tìm kiếm người đồng sáng lập, đừng bao giờ hấp tấp ký kết bất cứ thứ gì cho đến khi bạn chắc chắn rằng người đó là sự lựa chọn đúng đắn. Bạn có thể xem quá trình tìm người đồng sáng lập giống như là chuyện hẹn hò tìm người yêu: hỏi những câu hỏi phù hợp, tìm hiểu kỹ về người kia và xác định xem tính cách của họ liệu có phù hợp với những giá trị bạn tìm kiếm hay không.
Leave a Reply